Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích những lỗi sai (substitution errors) giữa tiểu từ mang tính phó từ (adverb postposition) ‘e’ và ‘eseo’ mà sinh viên Việt Nam thường mắc phải. Nghiên cứu đ...
Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích những lỗi sai (substitution errors) giữa tiểu từ mang tính phó từ (adverb postposition) ‘e’ và ‘eseo’ mà sinh viên Việt Nam thường mắc phải. Nghiên cứu được tập trung thực hiện phân tích lỗi sai trong 5 ý nghĩa sau: Bối cảnh, nơi chốn, đối tượng, nguyên nhân, phương tiện – phương pháp.
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn đã thực hiện khảo sát theo hình thức kiểm tra ngữ pháp (grammaticality judgements) với đối tượng là các sinh viên trung cấp (năm 2, 3). Bài test thứ 1 được thực hiện với 44 sinh viên trung cấp và 20 sinh viên cao cấp. Bài test thứ 2 được thực hiện với 90 sinh viên trung cấp và 20 sinh viên cao cấp. Kết quả của đối tượng sinh viên cao cấp chỉ là để bổ sung cho đánh giá xu hướng mắc lỗi sai nói chung.
Kết quả của bài nghiên cứu cho thấy, sinh viên trung cấp tiếng Hàn thường sai ở các ý nghĩa lần lượt là: bối cảnh, nguyên nhân- căn cứ, nơi chốn, đối tượng và phương tiện – phương pháp. Về bối cảnh, sinh viên Việt Nam thường bị nhầm lẫn sang cụm phó từ (adverb clause). Về nguyên nhân – căn cứ, sinh viên Việt Nam không biết rằng thường có thể sử dụng đồng thời 2 loại tiểu từ này. Về nơi chốn, do không hiểu được chính xác trạng thái (tĩnh - động) mà động từ tác động nên sinh viên cũng hay bị nhầm lần. Về đối tượng, tỷ lệ mắc lỗi của sinh viên Việt Nam là thấp nhất, một phần vì những ví dụ liên quan được đưa ra nhiều trong các bài đọc của giáo trình. Và về phương tiện – phương pháp, đối với những danh từ có tính nơi chốn, sinh viên dễ bị mắc lỗi sai.
Nguyên nhân của những lỗi này được chia thành 3 nội dung để phân tích: do ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ, do ảnh hưởng của ngôn ngữ đích, do ảnh hưởng của quá trình giáo dục. Về nguyên nhân đầu tiên, do tiếng Việt không có tiểu từ (postposition) nên sinh viên Việt Nam không có khái niệm về tiểu từ, đồng thời trong quá trình thực hành tiếng thường có xu hướng loại bỏ tiểu từ trong hình thành câu. Trình tự câu trong tiếng Việt và tiếng Hàn cũng ngược nhau đem lại sự khó khăn cho sinh viên Việt Nam khi sử dụng tiểu từ tiếng Hàn. Về nguyên nhân thứ 2, tiểu từ tiếng Hàn có quá nhiều ý nghĩa và cách sử dụng đa dạng, khác nhau, ngoài ra đôi khi việc tổng hợp các ý nghĩa này của các học giả cũng có sự khác nhau, khiến người học tiếng Hàn dễ bị nhầm lẫn. Và cuối cùng, trong quá trình đào tạo tiếng Hàn cho sinh viên Việt, đặc biệt trong nghiên cứu này là sinh viên trường đại học Hà Nội, có thể tìm thấy một số điểm gây ảnh hưởng đến việc sử dụng tiểu từ (adverb postposition). Ví dụ như: các ý nghĩa của 2 tiểu từ này thường chỉ được nhắc đến sơ qua trong các bài đọc hoặc bài văn hóa. Chỉ có một số ý nghĩa đơn giản, dễ nhận biết như thời gian, điểm xuất phát...là được đề cập riêng trong phần Ngữ pháp. Ngoài ra, có một lý do khách quan đó là giáo viên cũng chưa có kiến thức chắc chắn về 2 tiểu từ ‘e’ và ‘eseo’, chưa có được những giải thích phù hợp khi phân biệt hai tiểu từ này cho sinh viên.
Phần kết luận của nghiên cứu có đưa ra một số phương án áp dụng, qua đó có thể khắc phục phần nào lỗi sai mà các sinh viên Việt Nam mắc phải. Có thể kể đến một số phương pháp như: cho sinh viên làm nhiều ví dụ kết hợp với các dạng động từ (chủ động và bị động), luyện cho sinh viên tìm kiếm và tập trung vào các tiểu từ ‘e’, ‘eseo’ được sử dụng trong câu hoặc trong đoạn văn. Thứ 3 nữa là khi giảng về 2 tiểu từ này, giáo viên cần phân biệt rõ các ý nghĩa cũng như cách sử dụng để sinh viên không bị nhầm lần.
Về hướng phát triển tiếp theo cho nghiên cứu này, cần phải thực hiện khảo sát dành cho các đối tượng sinh viên đa dạng hơn, đồng thời cần phải thực hiện phỏng vấn các giáo viên đang giảng dạy, qua đó có được sự đánh giá và phân tích chính xác hơn với các lỗi sai mà sinh viên mắc phải.
|